Nơi kỷ niệm các nạn nhân vụ khủng bố 911 ở Trung Tâm Thương Mại Thế Giới tại New York. (Hình: Spencer Platt/Getty Images)
NEW YORK, New York (AP) — Người dân Mỹ hôm Thứ Tư, 11 Tháng Chín, kỷ niệm 18 năm ngày xảy ra cuộc tấn công của khủng bố ngay trên đất nước này, làm thiệt mạng hàng ngàn người, với các buổi lễ trang nghiêm, đầy xúc động, và thề sẽ “không bao giờ quên”.
Gia đình các nạn nhân chết tại New York đã tập trung ở nơi xảy ra cuộc tấn công, với buổi lễ tưởng niệm bắt đầu bằng một phút mặc niệm và các hồi chuông đổ vào lúc 8 giờ 46 phút sáng, đúng thời khắc một chiếc phi cơ bị không tặc đâm vào tòa tháp góc phía Bắc thuộc Trung Tâm Thương Mại Thế Giới.
“Khi nào thành phố còn cho chúng tôi cơ hội này, tôi sẽ đến đây,” theo lời bà Margie Miller, người bị mất ông chồng Joel, khi phát biểu tại buổi lễ mà bà đã tham sự hàng năm. “Tôi muốn mọi người luôn nhớ tới việc này.”
Sau nhiều năm đi dự lễ tưởng niệm, bà Miller đã gặp và quen biết các gia đình thân nhân của các nạn nhân khác và trân trọng cơ hội được hiện diện cùng với họ.
“Có những nụ cười sau giòng nước mắt để nói với nhau rằng chúng tôi không đơn độc trong cuộc hành trình này, mà chúng tôi đến đây cũng vì những người khác,” bà Miller nói.
Tổng Thống Donald Trump đến đặt vòng hoa tại Ngũ Giác Đài, nói với gia đình của các nạn nhân nơi đây rằng: “Đây là ngày kỷ niệm sự mất mát cá nhân và vĩnh viễn của quý vị”.
“Đây là ngày cứ liên tục diễn ra hàng ngàn lần trong tâm tưởng của quý vị. Nụ hôn từ giã sau cùng. Cuộc gọi điện thoại sau cùng. Những lời nói thương yêu được nghe lần cuối cùng,” Tổng Thống Trump nói.
Phó Tổng Thống Mike Pence sẽ đến đặt vòng hoa và phát biểu tại địa điểm thứ ba có phi cơ bị không tặc rớt, là một cánh đồng gần Shanksville, Pennsylvania.
Các buổi lễ tưởng niệm chú trọng vào việc nhớ tới gần 3,000 nạn nhân thiệt mạng khi các phi cơ bị không tặc đâm vào Trung Tâm Thương Mại Thế Giới, Ngũ Giác Đài và cánh đồng ở Pennsylvania hôm 11 Tháng Chín năm 2001.
Tên của tất cả các nạn nhân được chính các thân nhân của họ đọc lên ở New York. Trong những năm gần đây, những thân nhân này thường là những người nhỏ tuổi, chỉ biết rất ít hoặc không có cơ hội biết gì về người quá cố.
Một trong những người này là anh Jacob Campbell, chỉ mới 10 tháng khi bà mẹ Jill Maurer-Campbell, chết trong vụ 9/11.
“Tôi lớn lên trong thế hệ mà người ta hầu như không nhớ gì về vụ này. Ở nơi đây, tôi cảm thấy có mối liên hệ mà không ai ở trường tôi đi học có thể thật sự hiểu nổi,” theo lời anh Campbell, một sinh viên năm thứ nhì tại đại học University of Michigan.
Ngày 11 Tháng Chín, nay cũng được xem là một ngày để phục vụ người khác. Người dân Mỹ ở mọi nơi trong nước bỏ thời giờ tình nguyện phụ giúp ở các nơi cung cấp thực phẩm cho người thiếu ăn, ở trường học, ở các nơi xây cất nhà ở cho người nghèo, dọn sạch công viên cùng là các hành động thiện nguyện khác. (V.Giang)
Nguồn: Báo Người Việt