“Chuồn chuồn có cánh thì bay…” (Hình: Julian Stratenschulte /AFP/Getty Images)
CLEVELAND, Ohio (NV) – Các chuyên gia thời tiết ở tiểu bang Ohio tuần này nhìn thấy một số hình ảnh lạ lùng, hiếm thấy trên radar khí tượng: đó là các đàn chuồn chuồn bay rợp trời giống như các đám mây.
Theo bản tin của CNN, văn phòng Sở Khí Tượng Quốc Gia (NSW) ở thành phố Cleveland hôm Thứ Ba, 10 Tháng Chín, gửi qua tweet các hình ảnh trông giống như các đám mây chuyển dịch trên bầu trời tiểu bang Ohio, Indiana và Pennsylvania. Nhưng văn phòng này cho hay đây không là mưa, mà là các đoàn chuồn chuồn khổng lồ.
Giáo Sư Norman Johnson, một chuyên gia về côn trùng học tại đại học Ohio State University, nói rằng các con chuồn chuồn này đang thiên di về khu vực phía Nam khi mùa Thu tới.
Theo giáo sư, các con chuồn chuồn thường không di chuyển theo bầy đàn lớn lao như thế này, nhưng tình hình thời tiết địa phương có thể khiến chúng bay hợp đoàn với nhau.
“Các bầy chuồn chuồn đông đảo như thế này cũng từng được ghi nhận trong những năm qua nhưng đây không phải là điều xảy ra thường xuyên,” theo Giáo Sư Johnson.
Chuồn chuồn bay rợp trời, giống như mây, trên radar khí tượng. (Hình: Fox 8)
Cảnh tượng nhìn từ dưới đất lên cũng khiến nhiều người ngạc nhiên như trên màn ảnh radar.
Bà Anna Barnett nói rằng các con chuồn chuồn bay vòng vòng, lượn tới lượn lui cả ngày, tại sân golf Mohican Hills Golf Club ở Jeromesville, tiểu bang Ohio.
“Tôi chưa hề thấy chuồn chuồn bay thành đàn lớn như thế này, thật kỳ lạ!” bà nói.
Giáo Sư Johnson nói hiện vẫn còn có nhiều câu hỏi về sự thiên di của các con chuồn chuồn.
“Chúng ta không biết nhiều về chúng, như một con chuồn chuồn có thể di chuyển bao xa,” theo ông Johnson.
Ông cho hay, một số nhà nghiên cứu nói rằng chuồn chuồn trung bình bay mỗi ngày khoảng 8 dặm (13 km), và có thể bay xa đến 86 dặm (140 km). (V.Giang)
Nguồn: Báo Người Việt