Lối xóm tỏ lòng phân ưu cùng gia đình vừa gặp mất mát. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
ONTARIO, California (NV) – Không khó lắm để tìm ra căn nhà của bà Linda Nguyễn, phụ nữ gốc Việt định kết liễu đời mình sau khi kết thúc cuộc đời hai đứa con ruột cách nay vài hôm.
Căn nhà của gia đình họ Nguyễn nằm im lìm trong khu phố khang trang. Căn nhà chỉ khác lối xóm là ở phía trước có những bó hoa tươi, đồ chơi trẻ em, những con gấu bông, những ngọn nến tưởng niệm người quá cố vừa bị gió thổi tắt…
Chỉ với một lần nhấn chuông, không phải chờ lâu, cảnh cửa được hé mở. Người đàn ông ló mặt ra, trả lời với giọng nhỏ nhẹ và lễ độ, ông nói: “Xin lỗi quý vị. Xin cho tôi ít phút để tôi mặc cái áo.”
Người đàn ông mời chúng tôi vào nhà. Buổi trưa California nắng gắt nhưng cũng không thể làm căn nhà sáng hơn.
Sau vài câu giới thiệu, để biết chắc chúng tôi là ai, ông nói: “Tôi tiếp quý vị vì quý vị là người Việt Nam. Tất cả phóng viên Mỹ đến đây, tôi đều xin lỗi và mời ra khỏi khuôn viên nhà tôi. Nhưng tôi xin nói trước là tôi sẽ không trả lời bất cứ điều gì liên quan đến chuyện này.”
Đó là ông Nguyễn, chồng bà Linda Nguyễn. Người đàn ông với gương mặt hiền lành và đôi mắt gần như thất thần.
Mời chúng tôi ngồi vào góc bàn làm việc (có lẽ của ông), ông nhắc lại lần nữa ông không thể trả lời bất kỳ câu hỏi nào có liên quan đến vụ án.
Một người phụ nữ lớn tuổi, nhỏ người, ngồi trên chiếc ghế sofa nơi phòng khách, ông Nguyễn giới thiệu: “Đây là mẹ tôi.”
Sau đó, ông nhã nhặn mời chúng tôi ra chiếc bàn nơi góc bếp vì không muốn cuộc nói chuyện ảnh hưởng giấc ngủ của người em.
Góc bếp vẫn còn hình ảnh bừa bộn của một ngôi nhà có trẻ thơ.
Hoa và gấu bông tưởng nhớ hai cô gái nhỏ. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
“Hùm dữ cũng không nỡ ăn thịt con.” Vì sao…?
Danh tánh Linda Nguyễn, phụ nữ gốc Việt bị bắt vì giết hai cô con gái nhỏ đầy khắp báo chí, truyền thông vài ngày qua. Câu chuyện đau lòng này đến nay vẫn đang trong vòng điều tra. Cảnh sát không tiết lộ bất kỳ chi tiết nào, ngoại trừ những thông tin đã được nêu ra trong thông cáo báo chí.
Theo đài KTLA, bà Linda Nguyễn, 47 tuổi, là nghi can trong vụ giết hai con gái nhỏ, một 14 tuổi, một 4 tháng tuổi. Hiện tại bà Linda vẫn còn nằm trong bệnh viện vì tự tử, nhưng không chết. Cảnh sát cho biết sẽ đưa bà vào trại giam West Valley sau khi xuất viện.
Do đó, ngoài sự bàng hoàng, chia sẻ với người trong cuộc thì người ta đặt ra câu hỏi “vì sao lại như vậy?”
Một câu hỏi cơ bản của mọi chuyện trong cuộc sống.
Và hẳn nhiên, không phải trường hợp nào cũng có được câu trả lời.
Trong câu chuyện này, “hùm dữ cũng không nỡ ăn thịt con, nhưng vì sao…?” là một câu hỏi lớn. Có phải vì sức khỏe? Hay như thông cáo báo chí của cảnh sát đã đưa ra là bà Linda bị trầm cảm sau khi sinh?
Đôi mắt lúc sáng quắt, lúc thất thần như dại đi, ông Nguyễn vẫn từ tốn nói: “Không có gì khác thường, mọi chuyện rất bình thường… nhưng vợ tôi có một triệu chứng hậu sản, bị trầm cảm. Nhưng đối với những phụ nữ bình thường, dưới 40 thì chứng trầm cảm nhẹ hơn, qua khỏi. Vợ tôi thì dai dẳng. Lúc sanh bé đầu tiên cách đây 14 năm, cô ấy bình thường. Đến bé thứ hai, vợ tôi đã 46, 47 tuổi rồi.”
Nhân viên công lực cho hay sự việc xảy ra vào khoảng 4 giờ chiều Thứ Ba, 20 Tháng Tám. Lúc đó, ông Nguyễn về đến nhà thì phát hiện thi thể của hai con gái trong nhà để xe.
Ông còn thấy vợ mình là bà Linda nằm bất động và lập tức gọi cảnh sát đến.
Đến Thứ Tư, 21 Tháng Tám, cảnh sát cho hay bà Linda có để lại hai lá thư tuyệt mệnh, ghi rõ ý đồ giết hai cô con gái, sau đó tự tử. Họ tìm thấy một lá thư trong nhà để xe và một lá thư trong phòng khách.
KTLA dẫn lời Trung Sĩ Bill Russell nói: “Tại thời điểm này, chúng tôi chỉ có thể nói hai bé gái bị giết và người mẹ có thể là hung thủ.”
Cảnh sát Ontario cho rằng bà Linda đang điều trị trầm cảm và cho biết cô con gái 14 tuổi là người khuyết tật, nhưng không nói rõ nạn nhân bị gì.
Những lời chia sẻ mọi người gửi đến gia đình ông Nguyễn. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
“Hãy bình tĩnh, vì con của mình”
Ông Nguyễn là lập trình viên của một bộ phận thuộc Bộ Quốc Phòng. Sau khi bất ngờ bị rơi vào tấn thảm kịch và nỗi đau không có đáy, ông nói ông đã xin nghỉ việc dài hạn không ăn lương. Tuy nhiên, ông nói: “Tôi đang được cấp trên cho nghỉ làm. Việc đầu tiên tôi phải làm là phải giữ công việc của tôi. Tôi viết một bức điện thư nói cho tôi xin nghỉ không ăn lương nhưng họ chấp nhận cho tôi làm việc ở nhà. Đó là tất cả những gì tôi có thể nói lúc này.”
Câu chuyện bị người phụ nữ lớn tuổi ngắt quãng. Bà là mẹ của bà Linda. Gương mặt người phụ nữ vừa mất cháu hình như không còn chỗ cho cái buồn nữa. Cái đau khổ cũng không còn chỗ để ngự trị.
Chúng tôi cảm nhận trong giọng nói, trong dáng đi của bà, là sự chịu đựng. Bà không muốn không gian trong căn nhà bị phá vỡ, ít nhất là trong lúc này.
Ông Nguyễn nhắc lại, tất cả những gì ông có thể nói lúc này, chỉ bấy nhiêu thôi.
“Bây giờ đầu óc của tôi còn nhiều chuyện để giải quyết lắm. Có nhiều khi tôi nóng tính một cách không kiểm soát được. Cho tôi chia sẻ với những ai rơi vào hoàn cảnh như tôi thì hãy giữ thật bình tĩnh. Khi gặp bất cứ sự việc gì, dù bất ngờ hay đau khổ đến đâu thì chúng ta phải bình tĩnh. Cần phải giữ bình tĩnh, nếu không mình sẽ ngã quỵ và không giải quyết được gì hết,” ông chia sẻ
“Bình tĩnh và dùng tình thương của mình. Mình thương yêu con mình, biến tình thương đó thành hành động tích cực để giải quyết vấn đề. Chuyện xảy ra tôi chưa bao giờ khóc. Từ nhỏ tới lớn con người tôi không bao giờ biết khóc,” ông tâm sự.
Ông nói thêm, hành động cụ thể của ông bây giờ là lo việc hậu sự cho hai đứa con gái, một 14 tuổi, một bốn tháng.
Không biết sự can đảm, nghị lực của ông mạnh mẽ đến đâu, nhưng nếu một lần ông khóc, thì biết đâu, ông sẽ nhẹ nhàng hơn? Hay ông đã không vô tình thốt lên với mẹ vợ của mình: “Lúc này con cũng cần người nói chuyện mà má.”
Trước khi chào ra về, chúng tôi xin phép được quay lại thăm ông, khi mọi chuyện đã nguôi ngoai. Nhưng, “lần sau, khi quý vị quay lại thì chắc tôi sẽ không còn ở đây nữa.”
Nụ cười của ông, gắt như cái nắng mùa hè California. (Đằng Giao & Cát Linh)
Nguồn: Báo Người Việt