WESTMINSTER, California (NV) – Mười một tuổi, bố mất, Ngân được đưa xuống ghe đi vượt biên cùng chị gái lớn hơn hai tuổi. Nhớ nhà, nhớ mẹ chỉ biết lấy thư mẹ ra đọc, rồi khóc.
Hai chị em chị Kiều Ngân được các nhà báo ở Nhật phỏng vấn năm 1981. (Hình: Bùi Kiều Ngân cung cấp)
Mười hai tuổi đến Mỹ. Bắt đầu cuộc đời mới bằng những năm tháng thiếu thốn từ tình thương đến vật chất. Mười sáu tuổi biết cặm cụi vừa học vừa đi làm thêm để sinh tồn. Hai mươi mốt tuổi lần đầu tiên gặp lại mẹ sau mười năm chia cách thì mẹ đã bị khuyết tật.
Từ ngày đó, tự nguyện mang thêm trách nhiệm chăm sóc mẹ, phụ chị lo cho các em ăn học. Rồi lấy chồng, sinh con. Quay trở lại trường tiếp tục học cho xong đại học bên cạnh việc chăm con nhỏ, đi làm kiếm thêm tiền nuôi gia đình. Ba mươi lăm tuổi, quay trở về Mã Lai tìm mộ bố, để bằng mọi cách mang được tro bố, người đã gửi lại thân mình nơi đất khách trên con đường vượt biên, về đoàn tụ cùng mẹ và các con.
Có thể tóm tắt một cách ngắn gọn như thế về cuộc đời của chị Bùi Kiều Ngân, một trong hàng trăm ngàn thuyền nhân Việt Nam đang sống tại Hoa Kỳ, tại thành phố Garden Grove, ngay Little Saigon. Cuộc đời đó vừa có mẫu số chung cho một thế hệ thuyền nhân, lại vừa có những nét rất riêng biệt, độc đáo của từng phận người, không lẫn vào đâu được.
Kỷ niệm 40 năm thành lập nhật báo Người Việt, cũng là dịp chúng tôi muốn cùng quý độc giả nhìn lại chừng ấy năm lịch sử thuyền nhân, để hiểu, để trân quý hơn những mảnh đời được tôi luyện qua giông tố đã biết khẳng định mình như thế nào trên mảnh đất tự do.
Chị Bùi Kiều Ngân (trái) và chị gái trong những ngày sống tạm ở Nhật. (Hình: Bùi Kiều Ngân cung cấp)
Mẹ tìm đường “đẩy” con đi
“Trước năm 1975, bố tôi làm lính văn phòng, chức vụ nhỏ nên sau đó không bị bắt đi tù, nhưng lại phải đi kinh tế mới. Trước tình cảnh đó, mẹ tìm đường lo cho bố đi vượt biên. Nhưng đi hai lần đầu đều hụt. Đến lần thứ ba, một người bạn chí thân của bố nhường chỗ của chú ấy cho bố đi, dắt theo đứa em trai tôi khi đó khoảng 8 tuổi, và hai người em gái của bạn bố,” chị Ngân bắt đầu câu chuyện bằng giọng đặc biệt của người Bắc Hố Nai, không pha trộn.
Theo lời kể lại, chuyến đi đó của bố chị người bị cướp, người bị hiếp, kẻ bị đánh đập, trong số đó có bố chị, bị thương rất nặng. Khi tàu đến Mã Lai, trong lúc chờ hai chú của chị du học ở Mỹ trước đó bảo lãnh, thì bệnh tật do các vết thương bộc phát, bố chị không qua khỏi. Sáu tháng sau ngày bố chị đi vượt biên thì mẹ chị mới nhận được lá thư đầu tiên của bố gửi về báo tin cho biết đã đến nơi! Niềm vui của mẹ chị chưa tròn thì ngày hôm sau gia đình nhận được điện tín từ Cao Ủy Tị Nạn gửi về báo cho hay bố chị đã qua đời, vào Tháng Tư, 1980, và họ đang tiếp tục làm hồ sơ để đứa em trai 8 tuổi của chị sang Mỹ đoàn tụ với người thân.
“Mẹ tôi không tin, mãi đến gần cuối năm 1980 mẹ mới chấp nhận sự thật và chịu xin lễ mang tang, rồi mẹ đổ bệnh. Sau thời gian nằm bệnh, khỏe lại, mẹ tôi quyết định bằng mọi cách phải đưa các con đi hết,” chị Ngân, người phụ nữ gần 50 tuổi, vừa thong thả bước đi trong khu shopping mall, như một sự giải trí, vừa kể. Chị cười khi nhớ lại: “Thật ra lúc đó mới 10, 11 tuổi, có biết đi vượt biên là gì. Chiều hôm đó mẹ nói tối nay sẽ cho hai chị em đi Mỹ thì mình chịu liền, vì nghĩ đi Mỹ là đi ăn sô-cô-la, đi ăn kẹo rồi về chứ có biết gì đâu, trong khi chị mình nói ‘không đi’ bị mẹ mắng quá trời. Nhưng khuya đến thì gia đình quen ghé nhà mang hai chị em đi. Mình chỉ nhớ là đi từ sông Đồng Nai, Biên Hòa, lúc đó là giữa Tháng Năm, 1981.”
Chuyến vượt biên 4 ngày 3 đêm từ 37 năm trước còn lại trong ký ức của chị Ngân chỉ là thời gian nằm bẹp dưới ghe, chiếc ghe lần đầu tiên trong đời bước xuống, ói, mửa, ngủ li bì, khi mở mắt thì chỉ thấy trời và nước, cùng cảm giác thèm cà rem. “Cứ như vậy lặp đi lặp lại, cứ mơ thấy cà rem, có lẽ do mình khát quá, mà nghe nói ghe không đủ nước uống, chứ hoàn toàn không biết nguy hiểm, không biết sợ là gì.”
Em trai chị Kiều Ngân trở thành đứa trẻ mồ côi, bơ vơ khi bố mất ngay tại trại tị nạn ở Malaysia vào Tháng Tư, 1980. (Hình: Bùi Kiều Ngân cung cấp)
Tàu Na Uy vớt, đến Nhật thành người “nổi tiếng”
Theo lời chị Ngân, chiếc ghe chị được một chiếc tàu Na Uy vớt, rồi đưa đến Nhật. “Có thể lúc đó người vượt biên đến Nhật rất ít, nên họ cho mình ở ngay thành phố, ở trong một khu chúng cư đầy đủ tiện nghi. Mình nhớ mỗi gia đình ở một phòng, có bốn giường tầng.” “Nhớ khi đó có nhà báo đến phỏng vấn người tị nạn. Họ nghe nói trong chuyến đi chỉ có hai chị em mình là nhỏ nhất, lại không có họ hàng thân thích đi cùng, có lẽ họ ngạc nhiên nên đã làm một cuốn phim về người tị nạn, quay hai chị em mình,” chị kể.
Đoàn làm phim không chỉ quay cảnh hai chị em Ngân côi cút ở Nhật, mà họ bay sang Mỹ, quay hình ảnh đứa em trai chị, khi đó đang ở tiểu bang Pennsylvania với gia đình người chú. “Họ về cả Việt Nam để quay hình ảnh của mẹ và ba đứa em còn lại. Trong phim khi chiếu lên, mình thấy công an đông ơi là đông, rồi hàng xóm bu lại nhà nữa. Nhớ trong phim họ hỏi mẹ ‘Có muốn sang Nhật đoàn tụ với hai con không?’ thì mẹ trả lời ‘Không, không. Tôi chỉ muốn ở Việt Nam thôi.’ Công an đứng quá trời ở đó, làm sao mẹ dám nói khác. Họ quay cả trường học mà chị em mình đã học trước khi vượt biên nữa.”
Chị Ngân nhớ: “Cuốn phim về người tị nạn đó được chiếu khắp nước Nhật. Thế là rất nhiều người, nhiều đoàn đã đến thăm chị em mình, cho quà bánh rất nhiều. Nhớ họ tặng cho búp bê thích lắm.” Nhưng, búp bê không làm vơi được nỗi nhớ mẹ, nhớ nhà của đứa bé mới 11 tuổi, trong phút chốc bị bứng lìa khỏi vòng tay mẹ và không biết điều gì sẽ lại diễn ra trong đời mình.
“Nhớ nhà, nhớ mẹ, chỉ muốn đi về thôi. Nhưng mà mẹ viết thư qua dặn ‘không được đòi về, phải đi qua Mỹ.’ Thành ra nhớ nhà thì lại lấy thư mẹ ra đọc, rồi khóc, và những chữ ‘không được về Việt Nam’ cứ in sâu trong đầu mình. Có những người đến thăm, hỏi có muốn quay về Việt Nam với mẹ không, mình nói ‘không, con chỉ muốn đi Mỹ.’ Họ hỏi có muốn ở lại Nhật không, cũng nói ‘không, con muốn đi Mỹ.” Mẹ mình dặn như thế, thì mình cứ nói như thế chứ có biết Mỹ là gì, Nhật là gì đâu,” chị cười nhắc lại.
Hai chị em Ngân ở Nhật cho đến Tháng Hai, 1982, thì sang Mỹ, định cư ở San Jose, California, dưới sự bảo lãnh của người bác. “Sau khi ở San Jose vài tháng thì chị ruột của mẹ, là một nữ tu cũng đi vượt biên trước đó, đang ở Orange County kêu hai chị em về ở với dì. Rồi em trai mình ở Pennsylvania cũng bay về ở chung. Thế là coi như ba chị em đoàn tụ,” chị tiếp tục câu chuyện.
Chị Bùi Kiều Ngân tìm được mộ bố ở Malaysia vào năm 2005. (Hình: Bùi Kiều Ngân cung cấp)
Cuộc sống khốn khó ở Mỹ
“Nhớ lúc đó dì mướn apartment một phòng ở góc đường Bolsa-Bushard để cả bốn dì cháu cùng ở. Dì không dám tiêu xài gì hết, cái gì cũng chắt chiu, tằn tiện để gửi về Việt Nam, mấy chị em toàn mặc quần áo cũ, giầy dép cũng chỉ một đôi mang hoài, bánh kẹo cũng chẳng bao giờ có, nhiều năm trời mình không biết cái hamburger là gì,” chị kể.
“Qua Mỹ rồi, vẫn cứ nhớ nhà muốn về Việt Nam nhưng mấy chữ ‘không được về Việt Nam’ của mẹ cứ in sâu trong đầu. Khi đó chưa có chợ Việt Nam, chưa có thông dịch, cái gì cũng tự mình.”
Cô bé 13, 14 tuổi lúc đó cũng có những lúc tủi thân, mặc cảm khi thấy bạn bè cùng trường có mẹ có bố lo lắm cho, có lúc chạnh lòng nghĩ “nếu có mẹ ở đây thì mình cũng không thiếu thốn như vậy…”
Nhưng mà rồi thì những mặc cảm, tủi thân đó cũng không còn chỗ chứa, bởi vì khi người chị vào đại học, cũng là lúc người dì được nhận trở lại nhà dòng ở Boston, Ngân đã phải bắt đầu nghĩ đến chuyện tự lo cho cuộc sống, phải làm sao có tiền mua xe, phải lo học lái xe… “Đủ thứ để mình phải nghĩ, phải tính cho tương lai, vì đâu thể nhờ cậy ai. Mãi chìm trong những suy nghĩ lo lắng đó, mình không còn thời gian để tủi thân nữa.”
Ngân kể: “Chị Tuyền vào học trường Cypress College, thế là ba chị em dọn đến gần đó ở để chị có thể đi học, vì không có xe, chỉ đi bộ hoặc xe đạp thôi, mà lúc đó Orange County lạnh lắm, mưa nhiều nữa. Đó cũng chính là lý do mình luôn suy nghĩ đến chuyện phải lo kiếm việc làm để dành tiền mua xe.”
Từ Hè lớp 10, lớp 11 là Ngân đã đi kiếm việc làm thêm. Cũng suốt những năm tháng đó, thỉnh thoảng Ngân lại nhận được thư mẹ viết “mới đi thăm nuôi về” nghĩa là mẹ đi vượt biên bị bắt mới được thả ra.
“Mẹ dẫn ba đứa em đi như vậy cả chục lần đều bị bắt. Bao nhiêu gia tài trong nhà bán hết để đi vượt biên. Đến lần cuối cùng mẹ cùng đứa em út đi lọt thì hai đứa kia lại bị lạc, tưởng ‘bể’ nên hai đứa tự đón xe về nhà. Qua trại tị nạn, mẹ nghe nói nếu chịu đi Đức thì bảo lãnh hai đứa em mình nhanh hơn, thế là mẹ chọn đi định cư ở Đức. Đúng là chỉ sáu tháng sau thì hai đứa em cũng được qua Đức, khi đó là năm 86,” chị kể tiếp.
Năm 1987, Ngân tốt nghiệp trung học, chị của Ngân vừa học xong bằng AA thì quyết định không học lên nữa mà đi kiếm việc làm để lo tài chánh bảo lãnh mẹ và các em sang Mỹ.
“Mình cũng chọn học trường Cypress College để học cho gần nhà vì không có xe. Mấy chị em không dám tiêu xài gì hết chỉ biết để dành tiền bảo lãnh mẹ và em.” Những đứa trẻ rời khỏi mái ấm gia đình khi còn rất nhỏ, thiếu sự chăm sóc, dạy dỗ của mẹ cha, nhưng lại biết suy nghĩ và hành xử một cách chín chắn như thế nơi xứ lạ quê người.
Mẹ bệnh nặng, bỏ học sang Đức nuôi mẹ
Tuy nhiên, ông Trời dường như vẫn thích thử thách lòng người, nhất là những người vốn dĩ đã không có được một tuổi thơ êm ái trong yêu thương. Tháng Mười, 1990, khi đang học mùa thứ hai ở trường Cal State Long Beach thì chị em Ngân nhận được hung tin: mẹ bệnh nặng sợ không qua khỏi, muốn gặp hai chị em lần cuối.
Chị nhớ lại thời khắc đó: “Hai chị em tức tốc mua vé máy bay để bay qua Đức với mẹ. Mẹ bị máu loãng, vô nhà thương mổ sa dạ con gì đó, việc mổ đúng ra không nguy hiểm. Nhưng vì mẹ bị máu loãng, nên bị chảy máu, mà lại không có ai hay biết, cũng không biết tiếng Đức để kêu. Đến khi y tá phát hiện thì mẹ bị mất máu quá nhiều, gần như hôn mê. Họ mang mẹ đi cấp cứu thì một phần não đã bị hư. Mẹ như người tàn phế vậy. Bác sĩ nói mẹ sẽ phải ở viện dưỡng lão vì ba đứa em còn nhỏ, không thể chăm sóc cho mẹ.”
“Đó là lần đầu tiên kể từ lúc đi vượt biên mình được nhìn thấy mẹ, được gặp mẹ, nhưng mà mẹ đã nói giọng lơ lớ, không còn bình thường nữa, cả đi đứng cũng không bình thường như ngày mình ra đi. Cho đến tận bây giờ, mình cũng không thể nào nhớ được giọng nói ngày xưa của mẹ là như thế nào hết.” Đứa con gái vẫn hằng bao năm ôm lấy thư mẹ mà đọc cho vơi nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ, chia sẻ cảm nhận tái tê.
Bác sĩ cho biết nếu có người chăm sóc thì mẹ chị vẫn có thể được đưa về nhà. Thế là Ngân quyết định ở lại Đức lo cho mẹ, chị của Ngân trở về Mỹ đi làm kiếm tiền, tiếp tục lo việc bảo lãnh.
“Mình lo cho mẹ đến khoảng một năm rưỡi thì nhận ra rằng nếu cứ tiếp tục như vầy thì cuộc đời không còn ý nghĩa gì nữa. Cũng thời gian đó giấy tờ bảo lãnh chị Tuyền lo đã xong, mình thuyết phục mẹ và các em sang Mỹ.” Tuy nhiên, theo lời chị Ngân, do di chứng của lần suýt chết đó quá nặng, nên dù sang Mỹ chữa trị khắp nơi mẹ chị vẫn không đỡ hơn.
Từ ngày đó, chị vừa chăm sóc mẹ, vừa phụ chị gái lo cho các em ăn học, rồi lấy chồng, sinh con. Không được bày vẽ, chỉ dạy cặn kẽ như cách những đứa con vẫn được hưởng từ bố mẹ, thế nhưng không vì thế mà chị em Ngân lại phó mặc số phận mình. Họ luôn nhìn về phía trước, luôn muốn tiến lên để có thể sống một cách tự tin hơn.
Đã đến lúc chị nghĩ đến chuyện cần thiết phải trở lại trường học cho xong những gì còn dang dở. “Khi thằng con trai út được 3 tuổi rưỡi thì mình nghĩ đến tương lai. Lúc đó mình đưa mẹ qua ở với chị gái, để có thời gian trở lại trường. Cứ mỗi sáng chở hai đứa nhỏ đi gửi ở trường xong thì mình cũng đến trường. Đến 3 giờ chiều đi học ra thì chạy đi làm đến 12 giờ về học bài. Cứ như vậy suốt 1 năm rưỡi thì mình xong bằng 4 năm.”
“Chị mình ngày trước cũng mới học xong AA thì phải bỏ dở chuyện học để đi làm lo cho gia đình. Đến khi các con chị lớn, chị cũng quay trở lại trường học cho xong đại học,” chị Ngân nói thêm.
Chị Bùi Kiều Ngân tại nơi làm việc của mình. (Hình: Bùi Kiều Ngân cung cấp)
Trở về Mã Lai tìm mộ bố
Lo cho mẹ, cho các em, cho gia đình tạm xong, Ngân bắt đầu nghĩ đến chuyện phải đi tìm hài cốt bố, người đã nằm lại ở Mã Lai trên con đường tìm tự do. Tháng Bảy, 2005, biết được Văn Khố Thuyền Nhân do ông Trần Đông ở Úc có trở về các trại tị nạn để tìm lại nhiều dấu tích xưa, chị Ngân liên lạc nhờ giúp đỡ. Và như một phép nhiệm màu, chị đã tìm được mộ phần của bố chị trong những tình cờ đến ngỡ ngàng.
Tuy nhiên, thủ tục để bốc hài cốt khi đó còn khá nhiêu kê, từ Malaysia, chị phải quay trở lại Mỹ để lo hoàn tất. Đến Tháng Mười Một, 2005, chị đã chịu khó đẩy xe lăn đưa mẹ sang tận Mã Lai, rồi thêm một ông chú từ Anh bay sang, một người cô từ Việt Nam bay qua, cùng hội tụ để chứng kiến cảnh bốc hài cốt bố của chị. “Mấy mươi năm rồi từ ngày bố mất, nên ngôi mộ khi đào lên chỉ còn là những khúc xương. Nhưng xương thì không thể mang về Mỹ được. Mà lúc đó đã chiều, cũng không kịp để đưa đến những lò thiêu nhờ họ đốt thành tro. Thế là những người bốc mộ đã giúp bằng cách dùng lò nướng BBQ để đốt…”
Chị Kiều Ngân đưa mẹ (ngồi xe lăn) cùng bác và cô đến bốc mộ bố ở Malaysia vào năm 2005. (Hình: Bùi Kiều Ngân cung cấp)
“Mình không biết phải diễn tả tâm trạng lúc đó như thế nào. Trời chiều nơi nghĩa trang trên đất khách, bố mình – giờ là những nắm xương khô – được đặt lên chiếc lò nướng thịt để đốt… Cảnh tượng ấy vừa buồn cười đến ra nước mắt, vừa xót xa đến thắt lòng… Nhưng dù sao, mình cũng đã mang được bố về đoàn tụ cùng mẹ và cả nhà,” người con gái nói một cách mãn nguyện.
Hiện tại, chị Ngân đang là một “auditor controller” cho Orange County. Hai con chị đều đã tốt nghiệp đại học. Chồng chị về hưu nghỉ ngơi sau bao năm bươn chải.
“Mình cảm thấy hài lòng với tất cả những gì mình đang có. Tuy từ năm 11, 12 tuổi chị em mình đã không có được sự chăm sóc, dạy dỗ của bố mẹ do những biến cố của đất nước, nhưng chị em mình tự biết mình phải cố gắng để thành người, để sống tốt cho gia đình, cho xã hội,” chị nói cùng nụ cười viên mãn. (Ngọc Lan)
Nguồn: nguoi-viet.com