Tiến Sĩ Thu Quách: Hiện nay có rất ít tài liệu phân phối cho người làm nghề nail để cảnh cáo họ về ba độc tố Toluene, Formaldehyde và Dibutyl Phthalate (DBP). Tệ hơn thế nữa, trong số những tài liệu hiếm hoi, “không có tài liệu nào được viết bằng tiếng Việt.”
Chị Hồng Nguyễn, tuổi khoảng 35, làm nghề nail đã được hơn 8 năm tại một trong hàng trăm tiệm nail do người Việt Nam làm chủ quanh vùng Little Sài Gòn tâm sự như vậy với phóng viên. “Ông xã em ổng nói ráng làm thêm mấy năm nữa để dành tiền cho con lớn chút rồi nghỉ.”
Bà Thanh Lê, cỡ hơn 40 tuổi, lơ đãng đưa mắt nhìn những lọ thuốc sơn móng tay đủ màu sặc sỡ, xếp hàng trên một kệ mỏng nhiều tầng bằng acrylic gắn kín bức tường của tiệm, chép miệng:
Ôi biết đâu mà lo cho mệt, mình Việt Nam qua đây, không tiền không nghề thì làm sao mà sống. Nghề nào cũng có cái nguy hiểm chứ
Bà Thanh và chị Hồng không phải là những người thợ nail duy nhất biết – dù chỉ biết qua loa – hóa chất họ dùng, có thể nguy hiểm cho sức khỏe. Anh Thành Trần, một thợ nail làm việc ở An’s nail tại Cypress cũng cho biết anh không biết tên những chất độc có thể gây hại cho sức khỏe của mình, mà chỉ nghe phong thanh là ngành làm nail không tốt cho sức khỏe.
Tuy không hiểu rõ, nhưng khi ở tiệm lâu, tôi bị nhức đầu, chóng mặt thì biết là không ổn.” Anh Thành cho biết.
Kết quả công trình nghiên cứu của Tiến Sĩ Quách thuộc Trung Tâm Cancer Prevention Institute of California (CPIC), về việc những hóa chất độc hại mà người làm nail liên tục hít phải có thể gây ra bệnh ung thư, công bố ngày 5 tháng 5 trên American Journal of Public Health lại một lần nữa gióng lên tiếng chuông cảnh báo cho những ai đang làm nghề nail.
Hít hơi độc, tác hại 20 năm.
Trao đổi thêm Tiến Sĩ Quách cho biết theo thống kê tính đến năm 2007, toàn Hoa Kỳ có khoảng 58,000 thẩm mỹ viện, nơi gần 350,000 ngàn thợ nail làm việc. Riêng tiểu bang California có hơn 114,000 thợ nail trong đó khoảng 80% là người Việt Nam.
Tiến Sĩ Quách cho biết kết quả đầu tiên của cuộc nghiên cứu chưa thể khẳng định được rằng tỉ lệ người bị bệnh ung thư làm nghề nail cao hơn tỉ lệ chung.
Tuy nhiên, theo bà thì lý do là vì theo nhận định của bà thì khi bị nhiễm độc, thường thì phải 20 năm sau, dấu hiệu của bệnh ung thư mới được khám phá.
Chính trong gia đình Tiến Sĩ Quách cũng có người làm nail rồi bị bệnh. Mẹ bà qua đời năm 2005 vì bệnh ung thư, sau khi đã hành nghề nail hơn 15 năm giúp đỡ tài chánh cho gia đình để nuôi các con thành người.
Ngày nay khi bước vào một beauty salon, tôi lại nghĩ đến mẹ và các chất độc hại có thể giết người, rồi lo lắng cho sức khỏe của những người thợ nail.” Tiến Sĩ Quách tâm sự.
Ba hóa chất chính gây nguy hiểm cho sức khỏe nếu bị hít vào người trong thời gian dài gồm có:
– Toluene là chất hóa học giúp cho bề mặt của móng tay được mịn màng, và giúp cho chất màu không bị tách ra khỏi chất lỏng trong lọ thuốc sơn. Ðây là chất dung môi có thể bốc hơi trong không khí và ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh khi bị hít phải.
– Formal-dehyde là hóa chất được dùng cho cứng móng tay, cũng có thể bốc hơi trong không gian, và có thể gây ra bệnh ung thư.
– Dibutyl Phthalate (DBP) là chất hóa học làm mềm, được pha vào nước sơn để tạo độ mềm và sáng bóng cho móng tay. Nhiều nghiên cứu cho rằng tiếp xúc với DBP lâu dài có thể ảnh hưởng đến tuyến giáp, và ở phụ nữ mang thai, có thể gây khó khăn cho thai nhi giống nam, cũng như làm giảm số lượng tinh trùng ở đàn ông trưởng thành.
Tiến Sĩ Quách đơn cử một thí dụ là theo kết quả cuộc nghiên cứu của bà, số lượng toluene bay trong không khí những tiệm nail cao gấp đôi mức an toàn được California Environmental Protection Agency (Cal/EPA) ấn định.
Cuộc nghiên cứu cho biết, người hít phải nhiều Toluene sẽ có triệu chứng như: Nước da khô nứt, mắt, mũi cổ họng bị ngứa ngáy khó chịu, nhức đầu, chóng mặt, tê người hay yếu cơ bắp. Một số nghiên cứu cho biết phụ nữ hít chất Toluene vào người trong một thời gian dài có thể bị ảnh hưởng đến việc sinh con.
Hít phải nhiều Formaldehyde sẽ bị chảy nước mắt, có cảm giác rát nóng trong mắt và cổ họng, ho, thở khò khè, khó thở hay buồn nôn. Riêng triệu chứng hít phải chất Dibutyl Phthalate (DBP) không được thấy rõ ngay. Chất này cũng đã bị cấm sử dụng trong các mỹ phẩm ở Âu Châu từ lâu, nhưng theo Tiến Sĩ Quách thì các hãng mỹ phẩm tại Hoa Kỳ không luôn luôn liệt kê danh sách của tất cả mọi hóa chất dùng trong sản phẩm, nhưng rất may, bà cho biết gần đây chính phủ đã bắt các hãng sản xuất thuốc sơn móng tay phải cho biết là có dùng 3 loại độc tố này không.
Những nguy hiểm có thật.
Những điều này không chỉ là lý thuyết trong phòng thí nghiệm. Thăm dò thợ nail, Tiến Sĩ Quách cho biết người thợ nail Việt Nam thật sự đang bị hóa chất làm độc. Quá nửa số thợ nail nói họ bị nứt da, ngứa mắt, khó thở, nhức đầu, và cả bị suyễn.
Không chỉ vậy, mỗi khi nghỉ hơn một ngày, những triệu chứng này giảm hẳn, nghiên cứu của Tiến Sĩ Quách cho thấy. Ðể tiếp tục nghiên cứu ảnh hưởng với thợ nail, Tiến Sĩ Quách đang tiến hành một cuộc nghiên cứu mới ở miền Bắc California. Bà sẽ phân phát 80 máy đo để thợ nail đeo trên người, và qua đó sẽ biết được họ hít phải những hóa chất nào trong một ngày làm việc.
Trong cuộc phỏng vấn, Tiến Sĩ Quách chia sẻ rằng một trong những quan tâm lớn của bà là hiện nay có rất ít tài liệu phân phối cho người làm nghề nail để cảnh cáo họ về ba độc tố Toluene, Formaldehyde và Dibutyl Phthalate (DBP). Tệ hơn thế nữa, trong số những tài liệu hiếm hoi, “không có tài liệu nào được viết bằng tiếng Việt.
Sự việc không có tài liệu bằng tiếng Việt có thể giải thích tại sao nhiều người làm ngành nail chỉ biết rất mù mờ rằng “làm nail có thể bị ung thư”, nhưng không hiểu rõ tại sao lại xảy ra bệnh ung thư, hay hóa chất nào là độc hại.
Vậy phải làm sao? Giải pháp tạm thời, theo Tiến sĩ Quách thì các tiệm nail phải trang bị hệ thống làm cho thoáng hơi mạnh đủ, còn người thợ thì nên mang khẩu trang trong lúc mài giũa móng tay để giảm thiểu chất độc bị hít vào người.
Ðiều này có nghĩa là cả người đến tiệm nail để làm đẹp cũng phải cẩn thận, và cần hỏi tiệm là có dùng những thuốc sơn móng an toàn, không pha ba chất độc Toluene, Formaldehyde và Dibutyl Phthalate (DBP) hay không.
Tiến Sĩ Quách nhấn mạnh rằng cuộc nghiên cứu của Trung Tâm Cancer Prevention Institute of California (CPIC) không nhằm mục đích gây khó khăn cho ngành làm nail, mà chỉ muốn tăng sự hiểu biết của cả chính phủ lẫn người làm nail để ngày càng có thêm biện pháp tốt hơn để bảo vệ sức khỏa của người hành nghề.
Tăng sự hiểu biết và ngăn ngừa là một bước quan trọng trong tiến trình đó!” Tiến Sĩ Quách nói.
Tuy nhiên, không phải người làm nail không biết. Bà Thanh, người thợ nail ở Little Saigon, vừa quết sơn màu hồng xác pháo vào móng tay một người khách, vừa nói:
Ờ, bữa hổm đọc báo thấy nói có cái bà Tiến Sĩ Thu Quách nào đó nói có ba cái chất độc gì đó mình hít vô hoài bị nhiễm độc đó mà.
Nhưng khi được hỏi có biết những chất độc đó là chất gì không, người đồng nghiệp của bà, chị Hồng, lắc đầu nói, “Không nhớ.”
Nguồn: Sưu tầm Internet