Các tiệm nail nhượng quyền đang dần trở nên phổ biến với cộng đồng Việt làm nail tại Mỹ. Mô hình này có sẵn một hệ thống chứng từ theo dõi chặt chẽ, rõ ràng với tên doanh nghiệp có thương hiệu và được khách hàng biết tới từ lâu. Tuy nhiên, trước khi đi đến một quyết định lớn, bạn nên đặt ra một vài câu hỏi quan trọng dưới đây để cân nhắc.
Nhượng quyền thương mại có một số lợi thế nhất định vì nó thực sự ít tốn kém hơn việc bắt đầu kinh doanh với một tên tuổi mới. Khi bạn mua nhượng quyền một phương pháp đã được chứng nhận, bạn sẽ nhận được sự hỗ trợ về đào tạo thợ nail, công tác kế toán, tiếp thị và quản lý hàng ngày. Mô hình này tiện lợi hơn vì chủ tiệm không phải đầu tư để tái lập lại bộ máy vận hành, ý tưởng, kế hoạch kinh doanh và nhiều khía cạnh khác vì nó đều nằm trong gói dịch vụ đã mua. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng việc nhượng quyền có yêu cầu, nghĩa vụ tài chính cụ thể và nó không dành cho tất cả mọi người. Dưới đây là 10 câu hỏi bạn cần thẩm định trước khi đưa ra quyết định nhảy vọt của mình.
1. Bạn có những phẩm chất cần thiết để trở thành chủ tiệm và quản lý nhân viên không?
Là một thợ làm móng, chắc chắn bạn đã quen với môi trường, phong cách làm việc và đây là kỹ năng tuyệt vời cho bất kì chủ doanh nghiệp nào. Quản lý nhân viên yêu cầu mức độ cam kết, thời gian và sức lực ở các cấp độ khác nhau. Vì vậy, trước hết hãy liệt kê kinh nghiệm của bạn liên quan đến vấn đề này và phải đảm bảo trung thực với chính mình – bạn thực sự thích thú khi quản lý công việc của người khác hay không?
2. Bạn đã chuẩn bị đối mặt với những thách thức khi bắt đầu một doanh nghiệp mới chưa?
Khởi nghiệp nhượng quyền thương mại cũng như bất cứ công việc kinh doanh nào, nó lấy đi rất nhiều thời gian ở gần gia đình, bạn bè. Bạn sẽ phải làm việc nhiều giờ và sẵn sàng cho những biến động về mặt cảm xúc. Hãy thử đánh giá xem doanh nghiệp mới sẽ tác động đến lối sống hiện tại của bạn như thế nào và mức độ hỗ trợ từ gia đình, bạn bè của bạn ra sao.
3. Bạn có sẵn sàng nghe hướng dẫn từ bên nhượng quyền về thiết lập và hoạt động kinh doanh?
Các doanh nhân không phải lúc nào cũng là ứng cử viên sáng giá nhất cho cơ sở nhượng quyền thương hiệu. Làm chủ một tiệm nail theo hình thức nhượng quyền đòi hỏi bạn phải đi theo đúng quy trình và tuân theo hệ thống đã quy định, cho dù bạn có nhiều sự sáng tạo, linh hoạt và muốn thay đổi nó. Việc không tuân theo hướng dẫn, quy tắc hoạt động của bên nhượng quyền có thể dẫn đến doanh thu trì trệ và khả năng thất bại cao.
4. Khả năng chịu đựng căng thẳng của bạn ở mức nào?
Ngoài những giờ làm việc dài, sở hữu một tiệm nail nhượng quyền có thể tạo ra mức độ căng thẳng cao, thỉnh thoảng gây thất vọng và dẫn tới những đêm mất ngủ. Vì việc nhượng quyền còn đòi hỏi quá trình xây dựng để đáp ứng tiêu chuẩn thương hiệu nên bất cứ sự chậm trễ, thách thức nào cũng có thể tạo ra áp lực cho người chủ. Khi bạn mới hoạt động, bạn không thể mong đợi thu được lợi nhuận ngay lập tức mà cần có thời gian. Nên nhớ nhượng quyền tiệm nail cũng có những giai đoạn kinh doanh chậm và nhiều thách thức.
5. Bạn có khả năng tổ chức không?
Muốn sở hữu tiệm nail nhượng quyền thành công đòi hỏi bạn phải biết cách tự điều hành mọi công việc kể cả khi nhân viên vắng mặt. Ngoài ra, các nhân viên sẽ tìm đến người chủ để được hướng dẫn chuyên môn hay giải quyết khiếu nại không chỉ về một sự cố bất thường nào mà còn về các hoạt động hàng ngày tại tiệm.
6. Hiểu biết về tài chính có phải là thế mạnh của bạn không?
Nhượng quyền thương mại liên quan đến các cam kết tài chính khác biệt so với việc bạn tự mở một tiệm làm móng. Bạn có thể phải trả một khoản phí cho luật sư hoặc chuyên viên CPA (kế toán viên công chúng đã được cấp phép) trong khoảng thời gian dài trước khi kí thỏa thuận nhượng quyền. Ngoài phí nhượng quyền ban đầu, bạn cần xem xét đến các khoản phí khác như xây dựng doanh nghiệp, đồ đạc, trang thiết bị và quảng cáo. Bên cạnh đó, còn các chi phí về lương, chi tiêu khác khi thành lập tiệm. Phí tiếp tục sở hữu bản quyền là khoản bạn cần trả cho nhà nhượng quyền miễn là bạn còn sở hữu doanh nghiệp. Chúng chiếm từ 4% đến 8% tổng doanh thu của bạn.
7. Nguồn tài chính của bạn tốt không?
Các nhà nhượng quyền sẽ có yêu cầu tài chính cụ thể mà bạn phải đáp ứng trước khi họ xem xét kí hợp đồng. Họ sẽ xét đến giá trị thực và thanh khoản của bạn. Giá trị thực là giá trị của tất cả tài sản trừ đi các khoản nợ. Thanh khoản là số lượng tài chính sẵn có mà bạn cung cấp cho hoạt động kinh doanh, nhất là trong giai đoạn đầu. Ngoài ra, xếp hạng tín dụng và lịch sử quá khứ tài chính của bạn cũng được xem xét.
8. Địa điểm kinh doanh của bạn có hợp lý không?
Vị trí đóng vai trò rất quan trọng cho thành công của một tiệm nail. Vì vậy, nên xem xét xem nơi bạn mở tiệm đã có quá nhiều tiệm làm móng chưa? Diện tích khu phục vụ khách có đáp ứng được các hướng dẫn của bên nhượng quyền hay không? Nếu bạn sống trong thành phố lớn, thị trường đã bão hòa thì nên chuyển đến một thành phố khác để đặt tiệm nail.
9. Bạn xử lý tranh chấp hoặc đối chất có tốt không?
Tranh chấp, bất đồng và đối chất là những trường hợp thường gặp ở bất cứ doanh nghiệp nào, kể cả tiệm nail nhượng quyền. Vì vậy, tốt nhất hãy xác định thật kĩ trước khi đưa ra cam kết về cách thức và thời điểm xử lý tranh chấp với các bên nhượng quyền. Ngoài ra, hãy nhớ rằng bất cứ khi nào bạn có nhân viên dưới quyền, bạn sẽ gặp phải một loạt các vấn đề tiềm ẩn khác cần quản lý.
10. Tại sao bạn thực sự muốn làm điều này?
Bạn xem xét mua tiệm nail nhượng quyền vì lý do cá nhân, tài chính hay cả hai? Đây có phải là kế hoạch để tạo ra việc kinh doanh cho gia đình hay không? Nó có xuất phát từ mục tiêu giúp bạn được làm chủ thay vì làm nhân viên? Hãy xác định đúng đắn động cơ của bạn trước khi tìm cơ hội nhượng quyền và chuẩn bị các lý do để cuộc phỏng vấn với nhà nhượng quyền thành công nhất.
Trên đây là 10 câu hỏi cần thiết được gợi ý bởi các chuyên gia hàng đầu trong ngành về vấn đề tiệm nail nhượng quyền. Các thợ nail, chủ tiệm nail hãy xem xét chúng thật kĩ trước khi đưa ra quyết định cho bước tiến quan trọng của mình.
Nguồn: wocprint