Nếu như Bạn đã đọc qua bài “4 Bí quyết kiếm tiền“, chắc Bạn sẽ không lạ gì với các ý nghĩa của 4 điều kiện “ắt có và đủ” của người thành công, thì bài viết này, chúng tôi sẽ chia xẻ với bạn về cách ứng dụng như thế nào cho có hiệu quả. Dĩ nhiên sự thành công của bạn lớn hay nhỏ còn tuỳ thuộc vào sự thực hành của bạn có nghiêm túc hay không?

Vậy 4 điều kiện “ắt có và đủ” là gì?

  1. Biết tư duy đúng đắn
  2. Biết mục đích rõ ràng
  3. Biết bạn muốn gì?
  4. Biết bạn cần gì?

1-Ứng Dụng “Biết tư duy đúng đắn”

Biết tư duy đúng đắn, hay biết suy nghĩ đúng đắn, là biết suy nghĩ không thiên lệch và thành kiến, nhằm mục đích bênh vực hay che dấu đi những cái chưa hay, hoặc chưa tốt của bạn.  Mục đích của biết tư duy đúng đắn là “phơi bầy sự thực” về những sở trường và sở đoản của bạn một cách trung thực nhất. Chính nhờ sự trung thực này, mà bạn mới có thể biết được bạn có bao nhiêu sở trường cần phải “khoe”, và có bao nhiêu sở đoản cần phải “che”.

Ngoài cái giá trị “khoe” và “che” ra, “Biết tư duy đúng đắn” còn giúp cho bạn sửa sai, bổ khuyết, để biến những “sở đoản” của bạn thành những “sở trường” của bạn, và cũng giúp bạn biết làm sao sử dụng những “sở trường” của người khác để che các “sở đoản” của mình. Thí dụ:

Sở Trường

Sở Đoản

  1. Đắp Bột giỏi
  2. Đắp Gel giỏi
  3. Dũa đẹp và nhanh
  4. Vẽ móng tốt
  5. Giao tiếp với khách hàng tốt
  6. Nói tiếng Anh giỏi
  1. Dễ nổi cáu khi không vừa ý
  2. Hay cãi lý
  3. Hay ganh tị
  4. Hay buôn chuyện, nói xấu người khác
  5. Thiếu kinh nghiệm điều hành, quản lý
  6.   Thiếu kinh nghiệm bán hàng

Chính nhờ sự phân biệt được rõ ràng sở trường và sở đoản của bạn, mà bạn có thể tìm ra được rất nhiều mục đích từ những sự phân biệt đó như: Bạn có thể: làm giảng viên để huấn nghệ cho những người thợ có tay nghề yếu cần tăng thêm lợi tức; làm quản lý cho một tiệm Nail; giáo dục khách hàng biết làm sao phân biệt bộ móng đẹp để giữ khách hàng, thêm tiền tip; mở một tiệm Nail v.v; hoặc bạn có thể kết hợp cả hai ba mục đích vào làm một.

Thí dụ: Bạn vẫn đi làm Nail, nhưng ngày nghỉ thì đi hướng dẫn, giảng dạy, huấn nghệ cho những người có tay nghề yếu, giả dụ như với giá $500 cho 1 tháng (4 ngày). Nếu bạn có 10 học viên, thì bạn có thêm $5,000/1tháng. Trừ tìền mướn chỗ và quảng cáo $1,000, bạn đã kiếm thêm được $4,000/1 tháng – $48,000/1 năm. So với tiền bạn đi làm công: 6 ngày/1 tuần, 24 ngày/1 tháng, thì số tiền bạn kiếm được qua huấn nghệ cho người khác, cũng tương đương, hoặc nhiều hơn so với số tiền bạn đi làm trong một tháng.  Khác biệt ở đây, là bạn chỉ làm có 4 ngày, thay vì 24 ngày trong 1 tháng như khi bạn làm Nail.

Như vậy, bạn có thể chọn: đi giảng dạy hay đi làm Nail; hoặc bạn có thể vừa đi làm Nail, vừa giảng dạy; tùy theo mục đích của bạn là gì? Hoặc giả, bạn đang làm chủ tiệm Nail thì bạn cũng có thể mở lớp huấn nghệ để kiếm thêm gần $4,800/1tháng – $60,000/1 năm (chỉ tốn tiền quảng cáo mà không tốn tiền mướn chỗ).  Nếu như tay nghề bạn không giỏi, thì bạn cũng có thể kết hợp với thợ giỏi trong tiệm của bạn hay thuê/mướn những người thợ có tay nghề giỏi, mở lớp huấn nghệ nâng cao tay nghề cho người khác. Bạn vừa có thể kiếm thêm tiền (dĩ nhiên, bạn sẽ kiếm ít tiền hơn khi bạn tự mở lớp dạy, nhưng bạn lại “Biết” dùng sở trường của người khác để bổ sung cho sở đoản của bạn, mà bạn lại có thêm cơ hội để gia tăng lợi nhuận), đồng thời bạn còn có thể giữ được thợ giỏi (họ có thêm lợi tức từ việc giảng dạy), hay kéo người thợ giỏi về làm việc cho tiệm của bạn.

Dĩ nhiên, mục đích của mỗi bạn khác nhau, và sự quyết tâm của mỗi người khác nhau, thì kết quả cũng khác nhau. Ở đây, chúng tôi chỉ dùng một vài thí dụ đơn giản, để giúp cho bạn hiểu rõ hơn về cách ứng dụng khi bạn biết rõ được sở trường và sở đoản của bạn là gì?  Và làm sao để “khoe” và “che” cho tốt nhất.  Chỉ với một vài phát hiện “nhỏ nhoi” về sở trường và sở đoạn của bạn như thí dụ nêu trên, mà bạn đã có thể mở ra cho bạn ít nhất 4 cơ hội/mục đích mà bạn có thể làm được trong khả năng của bạn. Thay vì, bạn chỉ biết ngồi đó “tự hào” về tay nghề giỏi của bạn, rồi không làm gì hết; thì nay, nhờ “Biết tư duy đúng đắn”, bạn đã phát huy hết sở trường của bạn, và biết cách làm sao để “che” những sở đoản của bạn cho “khéo”, mà vẫn tăng thêm lợi nhuận hay gia tăng thêm mức độ thành công của bạn.

Đâu phải “Biết tư duy đúng đắn” chỉ quan trọng trong việc ứng dụng trong nghề Nail của bạn không đâu, mà nếu như bạn khôn khéo, lại còn biết dùng “Biết tư duy đúng đắn” trong tất cả mọi sự việc trong cuộc đời của bạn như: kết bạn, hôn nhân, giáo dục con cái, đầu tư v.v, thì sự thành công hay hạnh phúc của bạn đâu phải là chuyện khó làm, hay không tưởng; mà thật ra, nó nằm ngay trong tầm tay của bạn, há cần chi phải lệ thuộc vào sự mong cầu hay may mắn phải không bạn?

2-Ứng dụng biết mục đích rõ ràng

Khi bạn đã có thể trung thực “phán xét” chính bạn để tìm ra sở trường, sở đoản của bạn rồi, thì bước kế tiếp là xác định mục đích rõ ràng. Muốn xác định mục đích rõ ràng thì bạn đừng quên phải hỏi thêm 3 chữ “ĐỂ LÀM GÌ?

Thí dụ: mục đích của bạn là làm người huấn nghệ. Nếu bạn dừng lại ở đây, và không hỏi tiếp “để làm gì” thì kết quả, lắm khi lại khiến bạn “dở khóc, dở cười”.  Giả dụ như bạn đi dạy mà chả được đồng nào (miễn phí) vì chỉ có danh, mà không biết dùng tài để kiếm lợi.  Nhờ hỏi tiếp 3 chữ “ĐỂ LÀM GÌ?   Sau mục đích của bạn, mà bạn sẽ biết được kết quả sẽ ra sao? và cần phải có những điều kiện gì để đạt được mục đích đó.  Bạn nên nhớ:  Mỗi mục đích khác nhau thì bạn cần có những điều kiện khác nhau.  Cho nên, bạn phải rất cẩn thận khi xác định mục đích của bạn.  Hãy lấy một thí dụ sau đây cho dễ hiểu:

Hỏi: Mục đích của bạn mở tiệm Nail để làm gì?

Đáp: Để kiếm nhiều tiền (Nhiều là nhiều bao nhiêu? $10,000? $20,000? $50,000? trong một tháng? hay trong 1 năm? Bạn có thấy không, với cách trả lời này, không những “nó” đã không giúp cho bạn hiểu rõ mục đích của bạn là gì, mà “nó” còn khiến cho bạn thêm lúng túng, thiếu tự tin, tăng thêm thất vọng và đó chính là nguyên nhân dẫn đến thất bại vậy – Hãy cẩn thận với lối trả lời chung chung này bạn nhé).

Đáp: Để kiếm $100,000/một năm (khá hơn câu trả lời trước, những vẫn chưa chính xác, vì $100,000 đó là lợi tức hay lợi nhuận? Nếu là lợi tức trong 1 năm, thì sau khi trừ đi tất cả chi phí khoảng 70% (lợi tức= 70% chi phí – nhân công + $30% lợi nhuận) thì bạn chỉ còn đem về có $30,000 cho một năm. Như vậy, nếu đem so sánh thời gian và tiền bạc của bạn để đầu tư vào tiệm Nail, thì bạn tốn kém nhiều hơn, nhưng lương bổng làm ra thì lại ít hơn so với lương đi làm thợ. Vậy bạn có nên mở tiệm Nail không?

Đáp: Để kiếm $100,000 lợi nhuận/một năm (Rõ ràng nhất. Nhờ sự rõ ràng này, bạn mới biết được lợi tức 1 năm của bạn cần phải làm bao nhiêu? [$100,000/3= $33,000 x7= $221,000 + $100,000 = $321,000/ 1năm]. Nương trên con số tương đối này, bạn mới có thể tính toán xem: Bạn cần có bao nhiêu khách hàng?  Bạn cần có bao nhiêu thợ?  Mỗi phục vụ của bạn phải giá bao nhiêu?  Bạn cần làm bao nhiêu ngày? v.v. để có thể đạt được mục đích này). Sau khi đã xác định được mục đích của bạn rõ ràng rồi, thì bạn mới bắt đầu “phân tích sơ bộ” xem mục đích nào của bạn có thể thực hiện được nhanh nhất, và mục đích nào là chậm nhất. Mục đích nào của bạn có thể kết hợp với mục đích khác cùng làm một lúc, hay bạn phải chờ đợi thêm một thời gian, và thời gian nào là thích hợp nhất v.v.

Sau đó, bạn sắp xếp những mục đích của bạn theo thứ tự ưu tiên: Cái nào quan trọng/có thể thực hiện nhanh nhất lên trước và những mục đính nào ít quan trọng/khó thực hiện xuống dưới.  Sự sắp xếp “cuối cùng” này sẽ giúp bạn đưa ra những quyết định đúng đắn, làm tăng thêm sự tự tin, và sự quyết tâm hoàn thành.  Ngoài ra, nó cũng còn giúp cho bạn biết “chụp” đúng cơ hội khi thời cơ “chín mùi”.

Thí dụ: Bạn là chủ tiệm Nail, ngoài mục đích mở tiệm kiếm tiền, bạn còn có một mục đích khác nữa là mở lớp huấn nghệ để kiếm thêm tiền phụ trội. Tiếc thay, tay nghề của bạn lại không giỏi, và bạn lại không có thời gian để trau dồi, nên bạn chưa thể thực hiện được. Đột nhiên, tiệm của bạn đông khách, và bạn cần thêm thợ. Thay vì, bạn mướn thợ có tay nghề trung bình, thì bạn lại chọn mướn thợ có tay nghề giỏi. Lý do là, người thợ đó không những có thể giúp bạn “che” đi sở đoản của bạn, mà còn có thể giúp bạn đạt được mục đích mở lớp huấn nghệ của bạn một cách dễ dàng.  Nhờ biết sắp xếp và biết rõ ràng các mục đích của bạn, mà bạn đã biết “chộp” đúng thời cơ để đạt được mục đích mà bạn đã xác định ra. Nếu như không có sự xác định sắp xếp này, thì bạn đã mất đi một lúc ba cơ hội: gia tăng lợi nhuận, tăng thêm khách hàng và giữ được thợ giỏi.

3-Ứng dụng Biết Bạn Muốn gì?

Mặc dù “Biết bạn muốn gì” được xếp ở hạng thứ ba, nhưng thông thường “nó” lại được chúng ta sử dụng nhiều nhất trong đời sống hằng ngày. Vì sao?  Vì yếu tố thứ ba này biểu hiện động lực thúc đẩy sự quyết tâm hoàn thành mục đích của bạn.  Đứng trên góc độ tâm lý, có 4 loại động lực biểu hiện sự quyết tâm của bạn, được sắp xếp theo thứ tự từ nhẹ đến nặng như sau: thích, cần, muốn và đam mê. “Nặng đô” nhất chính là đam mê.

Một người, khi đã đam mê về một vấn đề nào đó, thì họ thường sẽ “sống chết” với vấn đề đó.  Các bậc vĩ nhân trên thế giới đã để lại những tác phẩm, những phát minh vĩ đại cho con người hôm nay, đều bắt đầu sự nghiệp bằng sự đam mê.  Và niềm đam mê đó, càng lúc càng gia tăng mãnh liệt.  Thế nên, động lực quyết tâm của bạn càng cao, thì sự thành công của bạn càng lớn là vậy.

Ở đây, chúng ta không xét đến góc độ “đam mê” của các bậc vĩ nhân, mà chỉ đứng trên góc độ  của những người bình thường, thì Muốn là “động lực cao nhất” mà chúng ta hay xử dụng.  Tại sao chúng ta lại xử dụng muốn?  Bởi vì, nhờ có động lực “Muốn” thúc đẩy, mà chúng ta mới có đủ năng lực, nghị lực, sự kiên trì, sự tin tưởng để hoàn thành mục đích, hay đạt được kết quả mà chúng ta đã đặt ra.

Thí dụ: Bạn muốn kiếm $100,000 lợi nhuận một năm. Vì có “muốn” nên bạn năng nổ, chịu thương, chịu khó làm việc, bỏ thời gian, tiền bạc học hỏi, nghiên cứu v.v để đạt được mục đích bạn đã đề ra.  Nếu như không có động lực từ muốn, thì bạn sẽ  sinh ra lười biếng, nghi ngại, lo âu, sợ hãi, chán nản, thất vọng, ngần ngại, v.v. và cuối cùng dẫn đến sự thiếu tự tin, không kiên nhẫn, nên thường khiến bạn hay bỏ cuộc nửa chừng.

Cứ một lần bạn bỏ cuộc, là một lần bạn làm giảm sút sự tự tin của bạn xuống một nấc, và gia tăng thêm sự nghi ngờ, lo sợ thêm một bậc.  Dần dần, bạn sẽ trở nên người thiếu tự tin, không quyết đoán.  Và khi cần làm một việc gì, thì bạn sẽ chần chừ, nghi ngờ, lo sợ.  Rồi cuối cùng, bạn lại bỏ cuộc giữa chừng.  Chính những “cảm giác ăn theo” này, đã biến thành những “rào cản” khiến cho bạn trù trừ, do dự, ngần ngại, không quyết đoán, và từ đó bạn buông bỏ, không thực hiện được mục đích của bạn đã lập ra.  Nguy hiểm hơn nữa là những “cảm giác ăn theo” này, còn ngăn chặn bạn, không cho bạn thực hiện những mục đích kế tiếp của bạn.

Vậy làm sao để bạn có thể đạt được cái muốn của bạn đây? Cách đơn giản và hữu hiệu nhất là phân chia cái muốn thành nhiều phần.

Thí dụ: Bạn muốn kiếm $100,000 lợi nhuận cho 1 năm, nhưng bạn chỉ kiếm được $70,000. Thông thường vì không đạt được mục đích thì bạn sẽ nẩy sinh ra “cảm giác thất bại”.  Với phương pháp ‘chia nhỏ”, bạn có thể chuyển đổi “cảm giác thất bại” của bạn thành “cảm giác thành công” như thí dụ sau:

  1. Bạn muốn dùng $50,000 cho chi phí gia đình
  2. Bạn muốn để dành $20,000 cho con bạn đi học đại học
  3. Bạn muốn để dành $20,000 để sửa sang tiệm
  4. Bạn muốn dùng $10,000 để đi du lịch hay giúp đỡ người thân, v.v.

Thay vì, như lúc đầu, bạn chỉ đưa ra 1 cái muốn là kiếm ra $100,000, thì cái muốn đó sẽ dễ dẫn bạn đến “cảm giác thất bại”; thì nay, bạn lại chia làm 4 cái muốn khác nhau. Tùy theo cái muốn nào mạnh nhất thì bạn để lên trên và cái nào yếu nhất thì bạn để xuống dưới.  Nhờ sự sắp xếp này, mà bạn có thể chuyển đổi từ cảm giác “thất bại” như ban đầu, thành cảm giác” thành công.” Nương theo thí dụ nêu trên, nếu như bạn chỉ kiếm được $70,000 (thay vì $100,000) thì rõ ràng, bạn đã thành công được 2 cái muốn quan trọng nhất rồi (70%), chỉ còn lại 2 phần kém quan trọng hơn (30%) mà thôi.  Chính nhờ vào sự thành công của 2 cái muốn đó, mà bạn đã không cho “ngã thức” của bạn nẩy sinh ra những “cảm giác ăn theo”.  Từ đó, bạn sẽ tự tin hơn, kiên trì hơn, để có thể thay đổi những cái cần thiết thích đáng, hầu có thể đạt được mục đích của bạn một cách hoàn toàn.

Điều quan trọng nhất trong phương pháp “chia nhỏ” này là nhờ đạt được sự thành công mà bạn không nẩy sinh ra “cảm giác thất bại”, đồng thời kéo theo những “cảm giác ăn theo” như: nghi ngờ, chán nản, thất vọng v.v. làm ngăn trở những mục đích theo sau của bạn.  Dĩ nhiên, ngoài cách này, bạn cũng có thể thay đổi mục đích của bạn để đạt được “cảm giác 100% thành công, nhưng thay vì kiếm $100,000 thì chỉ kiếm $70,000 chẳng hạn.  Biết bạn muốn gì và làm sao xử dụng cái “muốn” đó đúng cách, để không tạo ra những “cảm giác rào cản” là cả một nghệ thuật, đòi hỏi bạn phải kiên trì thực tập, thành một thói quen.  Có được như vậy, thì bạn mới có thể đạt được mục đích của bạn đến mức hoàn hão và dễ dàng.

Nguồn: chunail.com