Ngoài nhân viên lễ tân thì đội ngũ thợ nail cũng được xem là “bộ mặt” quan trọng của cửa tiệm. Thái độ làm việc và cách ứng xử của mỗi thợ nail có ý nghĩa quyết định số lượng khách hàng tìm đến với tiệm.
Bước vào tiệm nail, khách hàng không chỉ quan tâm đến kiến trúc nội thất và không gian của tiệm, mà còn xem xét cách tiếp khách, thái độ làm việc và ứng xử của thợ đối với khách. Một thợ nail giỏi, giàu kinh nghiệm và thành công là người vừa biết cách chăm sóc, vẽ nhiều mẫu móng điêu luyện, vừa làm hài lòng khách hàng bằng những việc làm nhỏ nhặt nhất, được thể hiện qua phong thái làm việc, qua những mẩu chuyện vui mà thợ tâm sự cùng khách… Vì vậy, thợ nail cần giữ những hành động, thói quen tốt này để tạo thiện cảm với khách.
Luôn có mặt tại góc làm việc của mình
Thợ nail luôn phải có mặt tại khu vực mình làm việc, để khi khách đến tiệm vẫn thấy được sự hiện diện đầy đủ của thợ và tin tưởng đây là một tiệm nail phục vụ chuyên nghiệp. Trong trường hợp là khách quen với bạn thì họ cũng dễ dàng tìm ra bạn khi quay lại tiệm làm đẹp. Vào những lúc rảnh, bạn cũng không nên rời khỏi góc làm việc, có thể dùng thời gian này để dọn dẹp xung quanh chỗ làm hay luyện tập thêm tay nghề.
Hãy nhớ rằng khi khách vào tiệm mà không thấy ai thì phần lớn sẽ có ấn tượng không tốt về cửa tiệm và chất lượng dịch vụ tại đây.
Giữ vệ sinh sạch sẽ tại góc làm việc
Thợ nail nên thường xuyên lau chùi bàn ghế, vật dụng, dọn dẹp góc làm việc của mình. Những sản phẩm sơn móng thì nên cất gọn vào tủ, tránh vứt lung tung trên bàn hay sàn nhà. Đây là việc làm thể hiện tính chuyên nghiệp và cẩn trọng của thợ trước mặt khách hàng. Khi khách đến góc làm việc của thợ mà thấy sạch sẽ, thoáng khí, đồ nghề được chuẩn bị đầy đủ, tất nhiên họ sẽ có thiện cảm hơn với những thợ có thói quen bừa bãi.
Thái độ làm việc chuyên nghiệp
Một người thợ có tay nghề cao đến mấy nhưng khi phục vụ khách bằng thái độ lơ là, không nhiệt tình thì khách cũng không màng tới tay nghề. Vì vậy, các thợ nail cần phải có thái độ làm việc tích cực, chuyên nghiệp đối với tay nghề của mình. Ví dụ, bạn có thể tư vấn tận tình cách chăm sóc móng tại nhà cho khách ngay sau khi đã hoàn thiện bộ móng nghệ thuật, thăm hỏi tình hình sức khỏe móng mỗi khi khách quay lại tiệm, giới thiệu những sản phẩm sơn móng mới cho khách tìm hiểu, thao tác vệ sinh móng phải theo quy trình chứ không được vội vàng…
Ấn tượng ban đầu luôn quan trọng nhất, một khi làm phật lòng khách hàng ngay từ lần đầu thì nguy cơ mất luôn vị khách đó là rất cao.
Trò chuyện gần gũi với khách hàng
Bạn cần thể hiện sự gần gũi với khách hàng trong mọi trường hợp, chẳng hạn vừa làm vừa trò chuyện cùng khách tại tiệm, hay trả lời email và điện thoại một cách nhẹ nhàng, lịch sự. Ngoài ra, trả lời những thắc mắc của khách trên các trang mạng xã hội cũng giúp tạo ấn tượng tốt với khách, thể hiện phong cách làm việc chuyên nghiệp của cửa tiệm.
Cho khách hẹn lại sau mỗi lần gặp
Thợ nail thành công là người biết cho khách lấy hẹn tiếp theo sau mỗi lần gặp mặt. Có nhiều thợ cho khách hẹn trước vài tháng hay thậm chí cả năm. Khi cho khách hẹn rõ ràng như vậy, hai bên thợ và khách đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho lần gặp kế tiếp, thợ nail cũng có thêm thời gian để nâng cao tay nghề, học hỏi thêm các kiến thức và dịch vụ mới về nail để đem lại chất lượng phục vụ tốt nhất cho khách.
Không ngừng học hỏi vươn lên
Thợ nail nên đi gặp gỡ những thợ khác để trao đổi về chuyên môn nghề nghiệp, có thể đi học thêm những lớp dạy nail tại trường dạy làm đẹp hay ở các đại học cộng đồng. Muốn làm thật tốt trong ngành Nail, bạn phải biết nhiều sản phẩm và những kỹ năng làm móng mới, vì chúng luôn được cập nhật thường xuyên.
Duy trì được những thói quen làm việc tốt sẽ hình thành ý thức có trách nhiệm của mỗi thợ nail, từ đó giúp thợ thành công hơn trong nghề và có thể tạo ra được những bước tiến đột phá tích cực cho công việc của mình.