Chăm sóc móng đang dần trở thành một phần trong cuộc sống hiện đại, không chỉ để làm đẹp mà còn để bảo vệ sức khỏe móng. Mặc dù việc đến salon để tận hưởng các dịch vụ chăm sóc móng đã trở nên rất phổ biến, nhưng vẫn có rất nhiều vấn đề mà các thợ nail mong muốn những vị khách của mình có thể hiểu rõ.
Bạn vẫn thường xuyên ghé các tiệm nail của địa phương để chăm sóc móng, nhưng có bao giờ bạn tự hỏi không biết các thợ nail thật sự nghĩ gì về đôi chân… chưa được cạo sạch của bạn, hay không biết salon đã vệ sinh, khử trùng cẩn thận các dụng cụ của họ chưa? Chúng ta hãy cùng gặp gỡ một vài chuyên gia để tìm hiểu sâu hơn về những chuyện thật sự xảy ra đằng sau các salon nail.
Với tư cách là những khách hàng đến salon làm móng, các thợ nail thật ra mong đợi bạn nên biết những gì để họ có thể cung cấp dịch vụ tốt hơn cũng như mang đến những lợi ích về sức khỏe và thẩm mỹ tốt nhất cho bạn?
1. Cạo da chai sần (calluse) là “bất hợp pháp” ở nhiều bang
Ở một vài salon nail, các bác sĩ chuyên về chân (pedicurist) có thể dùng các loại lưỡi bào (credo blade) – một dạng dao cạo “lai” giữa lưỡi lam và dao bào vỏ. Tuy nhiên, theo Rosanne Kinley – Chủ salon nail và cũng là cựu chủ tịch của Hội đồng Thẩm mỹ liên bang cho biết, rất nhiều khách hàng muốn có đôi chân thoải mái nhẹ nhàng hơn mà “nài nỉ” các thợ nail làm sạch những vùng da chân chai sần của mình càng nhiều càng tốt, nhưng bạn nên “lý trí” và từ chối khéo yêu cầu nguy hiểm này.
Bà Kinley cho biết, dù sử dụng “lưỡi bào” vì mục đích gì thì đó cũng được xem là “thao tác y tế” và chỉ những người có chuyên môn mới được thực hiện. Hơn nữa, làm sạch vùng da chai sần chỉ càng làm cho tình hình ngày càng tệ hơn. “Cơ thể của bạn sẽ phản ứng với việc làn da chai bị cạo sạch và trở nên quá mỏng giống như da đang bị tổn thương, nên sẽ ‘tích cực’ hơn trong việc sản sinh mô mới.” Theo các chuyên gia, vùng da chai này có thể bảo vệ đôi chân của chúng ta không bị đau khi ma sát quá mạnh trong sinh hoạt hàng ngày, nhất là với những người thường xuyên vận động hay mang giày cao gót. Chính vì vậy, bạn không nên “tiêu diệt” hoàn toàn lớp da chai mà chỉ nên dùng đá bọt (pumice stone) để mài nhẹ và làm mềm lớp da này.
2. Không cạo lông chân trước khi làm “pedicure”
Nếu là khách hàng thường xuyên đến salon, ắt hẳn các bạn sẽ được nghe các thợ nail khuyến cáo là không nên cạo lông chân trước khi đi làm “pedicure”. Nguyên nhân của việc này là những vết cắt hay vết thương dù là nhỏ nhất cũng có thể khiến bạn dễ bị nhiễm trùng khi ngâm chân và làm móng tại tiệm. Mặc dù luật đã quy định các tiệm nail phải vệ sinh, khử trùng dụng cụ làm móng bằng các dung dịch tiêu chuẩn (hospital-grade solution) sau khi phục vụ mỗi khách hàng, các khách hàng cũng nên tự bảo vệ mình thì vẫn hơn.
Không chỉ dễ bị nhiễm trùng, cạo lông chân trước khi làm móng còn khiến lớp da của bạn trở nên mỏng hơn, tăng nguy cơ bị dị ứng do các sản phẩm khác như kem dưỡng ẩm có mùi hương hay các loại scrub tẩy tế bào chết thường được sử dụng phổ biến ở các salon. Như một thợ nail đã chia sẻ thì: “Thật ra tôi không quan tâm chuyện chân bạn có được cạo nhẵn sạch hay không mà chỉ tập trung làm móng cho bạn thật đẹp mà thôi!.”
3. Tự mang “đồ làm móng riêng” chưa chắc đã an toàn
Bạn có phải là người chuẩn bị sẵn và mang đến tiệm nail các loại kềm, giũa của riêng mình? Thật ra việc này không giúp việc làm móng của bạn trở nên an toàn tuyệt đối đâu. Theo Kinley: “Đồ làm móng cá nhân không ‘sạch sẽ’ hơn bất kỳ dụng cụ hay thiết bị nào tại nail salon đúng tiêu chuẩn.” Bà giải thích rằng, sau cuộc hẹn, các vị khách sẽ bỏ dụng cụ của mình vào giỏ hay túi mà không khử trùng nên chúng sẽ trở thành môi trường lý tưởng để các loại vi khuẩn sản sinh.
Mặt khác, sau khi cung cấp dịch vụ cho mỗi khách hàng, các salon chuyên nghiệp sẽ rửa sạch dụng cụ với xà phòng và nước, loại bỏ bụi bẩn, rồi ngâm ngập dụng cụ trong các dung dịch khử trùng đúng tiêu chuẩn trong ít nhất là 10 phút. Chính vì vậy, nếu bạn nghĩ mình có thể thực hiện đầy đủ quy trình vệ sinh và khử trùng như trong salon, bạn có thể yên tâm mang theo “đồ riêng” của mình khi đến tiệm làm móng.
4. Không đến salon nail khi có “dấu hiệu bất thường”
Nếu có bất kỳ dấu hiệu nhiễm trùng nào như bị đau, ngứa và nổi mẩn đỏ ở phần giường móng, thường xuất hiện khi bạn hay cắn móng tay hay lấy da biểu bì không đúng cách thì bạn không nên đến tiệm nail nữa. Thậm chí là với những salon có quy trình khử trùng kỹ càng nhất thì bạn vẫn có nguy cơ bị nhiễm khuẩn hay bị nấm móng bởi vô số lý do không ngờ khác, bao gồm các trường hợp như từ tay của thợ nail hay thậm chí là từ cây giũa móng mới vừa giũa cho bạn.
Rất nhiều người nghĩ rằng nhiễm trùng móng không quá mức nghiêm trọng nhưng nếu bạn không kịp thời chữa trị, để móng bị sưng phù xung quanh phần giường móng hay móng bị đổi màu thì tình trạng này có thể lan nhanh qua các vùng da khác của tay vô cùng nguy hiểm. Để bảo đảm an toàn, ngay khi thấy có dấu hiệu bất thường, bạn nên đến thăm khám với bác sĩ chuyên môn, chỉ khi được họ đồng ý được làm móng tiếp thì bạn mới có thể đến salon để diện cho mình những bộ móng xinh đẹp một lần nữa.
Trong phần tiếp theo, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu về những điều “thầm kín” mà các chủ salon hay thợ nail hy vọng bạn có thể biết được, không chỉ trong cách nhận dịch vụ mà còn là những cách hành xử thích hợp của khách khi đến salon làm móng.
Nguồn: wocprint