FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – Để giúp những người mắc bệnh ung thư tránh “Trầm Cảm, Căng Thẳng và Lo Âu,” vào chiều Thứ Sáu, 27 Tháng Chín, Hội Ung Thư Việt Mỹ tổ chức tại văn phòng hội ở Fountain Valley về đề tài này để bác sĩ chuyên khoa tâm thần Vũ Duy Hiển hướng dẫn cách điều trị.

Bác Sĩ Vũ Duy Hiển hướng dẫn cách trị trầm cảm, căng thẳng và lo âu khi bị bệnh ung thư. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Cô Becky Nguyễn, giám đốc điều hành Hội Ung Thư Việt Mỹ, cho hay: “Bệnh nhân ung thư thường bị trầm cảm, lo âu nên thần kinh căng thẳng, dẫn đến một số người còn bị thêm bệnh tâm thần. Chính gia đình của Bác Sĩ Vũ Duy Hiển cũng có người trong trường hợp như thế, nên hội mời bác sĩ đến đây để thuyết trình cho những người bị bệnh ung thư hiểu biết được lý do tại sao họ bị ảnh hưởng đến tâm thần, và mọi người phải tìm cách tránh mắc căn bệnh này.”

Theo Bác Sĩ Hiển: “Ngày xưa nhiều người nghĩ rằng bệnh ung thư là một bản án tử hình. Nhưng đối với sự tiến bộ của y khoa ngày nay thì ý nghĩ này không còn nữa. Tuy nhiên, những người khi bị mắc bệnh ung thư thì họ vẫn lo sợ và buồn thảm, rồi họ lâm vào tình trạng trầm cảm nặng.”

Bác Sĩ Hiển cho rằng sự lo âu, trầm cảm của những bệnh nhân mắc bệnh ung thư là vấn đề thông thường thôi, chớ không phải vấn đề đáng sợ. Nhưng khi để đến lúc sự trầm cảm nặng quá thì bệnh nhân phải đến với bác sĩ tâm thần hay bác sĩ chuyên môn để chữa trị. Bởi vì khi bệnh nhân chuyển qua tâm thần thì đó là điều xấu.

Những người đến dự tập vật lý trị liệu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Cũng theo Bác Sĩ Hiển, những người bị trầm cảm quá nặng thường dễ nhận ra, như họ không màng tới ăn uống; có lúc thì ăn không được, có khi thì ăn quá nhiều, thành ra dễ bị sụt cân hay lên cân rất nhanh. Với những cử chỉ hằng ngày này của bệnh nhân, thân nhân phải theo dõi và nên đưa họ đi chữa trị.

Sau buổi thuyết trình có rất nhiều người đặt câu hỏi về cách chữa trị những người khi mắc bệnh ung thư và bị tâm thần. Bác Sĩ Hiển khẳng định, bệnh tâm thần có thể trị dứt được bằng cách uống thuốc và vật lý trị liệu. Nhưng có một số bệnh nhân lại sợ uống thuốc vì họ sợ bị ghiền thuốc. Do đó, bác sĩ cũng khuyên mọi bệnh nhân là phải uống thuốc, và cũng nên có những hoạt động thường xuyên với những người xung quanh mình để quên đi những phiền muộn.


Bà Mai Khôi Lê, cư dân Santa Ana, tâm tình: “Tôi là một trong những bệnh nhân ung thư được sống sót là nhờ hội đã giúp hướng dẫn cho tôi tìm bác sĩ trị liệu. Vì vậy tôi tình nguyện đến giúp cho hội trong những buổi nhóm họp như thế này. Tôi khuyên những người đồng cảnh ngộ rằng, ở đời, sống chết là do số mạng, còn bệnh thì mình phải tìm cách chữa trị chớ không nên vì quá đau lòng mà sẽ bị mất đi cơ hội mình được các bác sĩ giúp được hồi sinh, như tình trạng của cá nhân tôi.”

Hai thiện nguyên viên bà Trần Thị Hoàng Yến (trái) và bà Mai Khôi Lê. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)


Bà Mai Khôi Lê, cư dân Santa Ana, tâm tình: “Tôi là một trong những bệnh nhân ung thư được sống sót là nhờ hội đã giúp hướng dẫn cho tôi tìm bác sĩ trị liệu. Vì vậy tôi tình nguyện đến giúp cho hội trong những buổi nhóm họp như thế này. Tôi khuyên những người đồng cảnh ngộ rằng, ở đời, sống chết là do số mạng, còn bệnh thì mình phải tìm cách chữa trị chớ không nên vì quá đau lòng mà sẽ bị mất đi cơ hội mình được các bác sĩ giúp được hồi sinh, như tình trạng của cá nhân tôi.”

Kế bên, bà Trần Thị Hoàng Yến, cư dân Orange, cũng là một thiện nguyên viên, nói: “Tôi bị ung thư và được chữa lành hơn tám năm. Đối với tôi, sự hiểu biết về việc chữa lành về bệnh ung thư là điều cần thiết cho mình và cho nhiều người khác cũng mắc bệnh như mình. Từ sự hiểu biết đó, tôi đã từng khuyên những bệnh nhân đã đến đây hãy bình tĩnh và hy vọng bệnh sẽ được chữa lành.”

Ông Võ Quý Sơn, một người bị bệnh ung thư và được chữa lành. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)


Cũng có nhiều tình nguyện viên trẻ còn đang đi học vẫn đến giúp cho hội, như cô Như Nguyễn, cư dân Garden Grove, hiện theo học ngành y tế cộng đồng tại đại học UCI. “Qua thông báo của UCI là tôi phải thực tập ngoài xã hội khoảng 100 giờ cho ngành tôi đang học. Vì thế, hôm nay là lần đầu tiên tôi đến để xin Hội Ung Thư Việt Mỹ cho tôi được thực tập trong việc giúp đỡ quần chúng về y khoa. Tôi rất vui mừng vì góp một bàn tay giúp cho các cô bác là người Việt Nam,” cô nói.

Trong số những người đã mắc bệnh ung thư và được chữa lành, ông Võ Quý Sơn, cư dân Midway City, chia sẻ: “Lúc trước, tuy tôi mắc bệnh ung thư nhưng tôi không bị trầm cảm vì căn bệnh này. Cũng vì thế, theo lời mời của hội, hôm nay tôi đến đây để chia sẻ với những người đã bị ung thư rằng, nên bình tĩnh, không nên phiền muộn và lo âu nhiều mà có thể ảnh hưởng đến thần kinh.”

Theo cô Becky Nguyễn, nếu trong gia đình có người bị trầm cảm vì mắc bệnh ung thư, xin liên lạc về Hội Ung Thư Việt Mỹ qua số điện thoại (714) 751-5805; hoặc liên lạc với Cơ Quan Y Tế Orange County, dịch vụ sức khỏe tâm thần, với đường dây (855) OC-Links – (855) 625-4657. (Lâm Hoài Thạch)

Nguồn: Báo Người Việt