HUNTINGTON BEACH, California (NV) – Lễ Vu Lan cuối cùng trong mùa Vu Lan năm 2019 đã diễn ra tại tịnh xá Ngọc Tâm, Huntington Beach.

Bé Gia My 3 tuổi cùng cha, anh Võ Trọng Nghĩa, thành kính đọc kinh trước chánh điện tịnh xá Ngọc Tâm trong ngày Lễ Vu Lan. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Sư Cô Tánh Liên, trụ xứ tại ngôi tịnh xá nhỏ bé này, rất vui trong ngày lễ hôm 8 Tháng Chín vì có nhiều Phật tử thân quen đến, trong đó có nhiều gia đình giới trẻ đem theo con nhỏ, cả những Phật tử lớn tuổi chuẩn bị xuất gia, và một lực lượng hùng hậu các ca nhạc sĩ trẻ cùng góp tiếng hát.

Hòa Thượng Thích Minh Tuyên, viện trưởng Viện Hành Đạo Giáo Hội Phật Giáo Tăng Già Khất Sĩ Thế Giới, phó chủ tịch Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ, viện chủ Tổ Đình Minh Đăng Quang, trong lời đạo từ đã đề cập đến chữ hiếu trong đạo Phật.

Theo hòa thượng, hiếu với cha mẹ không chỉ là lời Phật dạy mà còn đạo lý làm người. Từ khi còn trong bụng mẹ, người con đã được mẹ nâng niu chăm sóc như thế nào qua tất cả những tinh lực mà người mẹ đã dành cho con.

Hòa thượng kể trong kinh điển có câu chuyện thuở xưa lúc Phật dẫn đoàn đệ tử vào xóm khất thực, khi đi qua một nghĩa địa, thấy có đống xương khô nằm trơ trọi bên đường, Phật đã dừng lại cung kính chắp tay bái lạy. Phật giải thích cho người đệ tử lớn là ngài A Nan và những đệ tử đi theo trong đoàn hiểu rằng, trong đống xương ấy có thể là những người đã từng là ông bà cha mẹ trong nhiều đời nhiều kiếp của Phật.

Chư tôn đức dâng hương trong Ðại Lễ Vu Lan tại tịnh xá Ngọc Tâm, Huntington Beach. (Hình: Văn Lan/Người Việt)


Sau đó Phật lại bảo đệ tử sắp xếp đống xương, chia lại làm hai phần, bên nam riêng và bên nữ riêng, và chỉ dạy cho đệ tử biết xương nào có màu đen là xương phụ nữ, vì phải mang thai, sinh nở và nuôi con cho bú mớm rất khó nhọc. Khi nuôi con mẹ phải cho con bú, mất đi nhiều sữa, được tạo ra bằng chính máu huyết của người mẹ, hao tổn biết bao máu huyết của mình, khí lực cạn kiệt, nên sau khi chết xương người đàn bà thường có màu đen và nhẹ.

Lại nữa thời gian nuôi con, người mẹ mất quá nhiều sức lực vì con từ khi còn nhỏ, thức đêm sớm hôm chăm con những khi đau bệnh, người con luôn được tình thương yêu của cha mẹ chở che. Nhất là người mẹ, hòa thượng dạy rằng không có bầu trời quả đất nào lớn hơn bằng bụng mẹ, chứa đựng cả một trời bao la tình thương dành cho con.

Hòa thượng cũng dạy trong lời pháp nhủ rằng nếu muốn báo đáp thâm ân của cha mẹ, nên đọc tụng kinh Đại Báo Phụ Mẫu Trọng Ân hoặc cúng dường Tam Bảo, giữ giới ăn chay, sám hối mọi tội lỗi, rồi hồi hướng công đức ấy cho cha mẹ, hoặc có thể làm việc bố thí, để cứu giúp cho cha mẹ sớm nhẹ bước siêu thoát.

Sau phần nghi lễ Vu Lan, các Phật tử cung kính trong nghi thức bông hồng cài áo và sau đó cúng dường chư tôn đức trong giờ thọ thực, trong khi hàng Phật tử cùng mời nhau những món chay tinh khiết do nhà bếp tịnh xá khoản đãi.

Nghi thức bông hồng cài áo trong Đại Lễ Vu Lan tại tịnh xá Ngọc Tâm. (Hình: Văn Lan/NgườiViệt)


Anh Võ Trọng Nghĩa, cư dân Garden Grove, đưa con gái nhỏ 3 tuổi Võ Gia My, pháp danh Diệu Thành, về dự lễ. Từ cử chỉ thương mến, bồng bế chăm sóc cho đến đưa con vào trước chánh điện lễ Phật, và em bé đã ngoan ngoãn ngồi xếp bằng chắp tay đọc kinh mới thấy tình thương con như thế nào của một người cha.

Anh Nghĩa cho biết: “Hôm nay mẹ bận đi làm nên chỉ có hai cha con đi với nhau, con gái em hay hát Chú Đại Bi bằng tiếng Phạn, nghe trên YouTube và cháu hát theo rất giỏi. Con em tuy nhỏ tuổi nhưng rất ngoan, em thường đưa con tới chùa để nghe kinh, mặc dù cháu chưa hiểu nhiều về Phật pháp nhưng mình cứ đưa con đến nghe, ít nhiều gì cũng gieo vào lòng trẻ nhỏ một tấm lòng yêu thương cha mẹ, là tình cảm thiêng liêng trong mối liên hệ của gia đình.”

Trong hàng Phật tử ngày lễ Vu Lan cũng thấy em Ellie Thùy Trang đi cùng bà ngoại về dự, và theo bà cung kính cúng dường chư tăng ni trong dịp lễ.

Giáo Sư Ngọc Bày cho biết năm nào bà cũng đến dự Lễ Phật Đản và Lễ Vu Lan tại tịnh xá Ngọc Tâm. “Ngôi tịnh xá này tuy nhỏ bé nhưng trang nghiêm thanh tịnh, nhất là ấm áp tình đồng đạo với vị ni sư Tánh Liên, bà thường hay thăm hỏi các Phật tử về dự lễ, với một trí nhớ rất tốt, nhớ tên từng người đệ tử. Đặc biệt, bà thường đích thân nấu ăn để chuẩn bị thật chu đáo phần ẩm thực khoản đãi Phật tử. Rất mừng khi thấy đạo Phật được xiển dương nơi xứ người, nhất là để cho người Mỹ bản xứ thấy được cái đẹp trong đạo lý nhớ ơn cha mẹ của người Việt mình,” bà chia sẻ.

Toàn ban nhạc Ngọc Thiên Thanh và ca sĩ hát cúng dường trong Đại Lễ Vu Lan tại tịnh xá Ngọc Tâm. (Hình: Văn Lan/Người Việt

Ca sĩ Quỳnh Thúy, trong nhóm nhạc Ngọc Thiên Thanh, thường xuyên hát cúng dường trong các dịp lễ lớn tại tinh xá Ngọc Tâm, cho biết: “Em tuy không phải là người trong đạo Phật, nhưng mỗi lần đến đây cùng các anh chị hát cúng dường trong ngày Lễ Vu Lan thấy thật xúc động. Em nghĩ rằng nhớ ơn cha mẹ là một tinh thần cao quý của dân tộc mình, từ ngàn xưa tới giờ, chính là nền văn hóa Việt. Bất cứ người con nào cũng đều phải nhớ ơn cha mẹ, lễ kính phụ mẫu, kính nhớ tổ tiên. Ở Mỹ bây giờ cũng có ngày Mother’s Day và Farther’s Day cũng cùng ý nghĩa như vậy.”

Bà Nguyễn Thị Tư, đi nhờ xe người bạn già, từ Garden Grove đến dự lễ, buồn rầu nói: “Hai đứa con gái tôi lớn có chồng hết rồi, đứa ở Virginia và đứa kia ở Arizona. Hôm nay nghe thầy giảng bài kinh Vu Lan mà nhớ hai đứa con gái quá chừng, dù cũng mừng cho bọn nó có chồng con đầy đủ, gia đình ấm êm hạnh phúc. Nhất là đứa con thứ hai hồi mới sinh ra cực khổ với nó quá chừng, bị bướu ở nách phải mổ. Nằm với con trong bệnh viện thời năm 1984 còn nghèo quá, không đủ chỗ cho bệnh nhân, tôi phải nằm dưới đất, suốt đêm cứ nghe con khóc mình cũng muốn khóc theo, lo quá trời không biết có sao không!”

Buổi Lễ Vu Lan tại Tịnh Xá Ngọc Tâm kéo dài với phần văn nghệ cúng dường với các ca sĩ Ngọc Thiên Thanh, Quỳnh Thúy, Minh Tâm, Oscar, Phổ Hiệp, Quế Phượng, Mỹ Hiệu, Mai Anh, Huyền Vy, cùng ban nhạc Hoàng Thanh đã đóng góp cho ngày lễ thêm phần ý nghĩa trọn vẹn trong ngày lễ, mà ngôi tịnh xá này là nơi cuối cùng tổ chức Lễ Vu Lan báo hiếu trong năm. (Văn Lan)

Nguồn: nguoi-viet.com